BÀI TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM NGÀY MIỀN NAM HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG (30/4) VÀ NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (1/5)
Nhân dịp kỷ niệm 49
năm mừng non sông thống nhất và 138 năm ngày Quốc tế lao động chúng ta cùng ôn
lại ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân 1975 và lịch sử ngày quốc tế lao
động 1/5.
1-
MIỀN NAM THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC
Ngay từ đầu tháng 4 năm 1975, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền đã ra chỉ thị
cho mặt trận đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị gấp cho tổng công kích và tổng
khởi nghĩa phối hợp với mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Chỉ thị quy định đồng loạt
tiến công và nổi dậy từ ngày 29 tháng 4 theo phương châm đã nêu là tỉnh giải
phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã bằng lực lượng của địa
phương mình.
Chiến
dịch bắt đầu từ ngày 4 tháng 1 và kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 1975, chỉ
trong 55 ngày đêm, với quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
với tốc độ "một ngày bằng 20 năm" với sức mạnh áp đảo cả về quân sự
và chính trị tích luỹ từ nhiều năm, quân và dân ta đã giành toàn thắng bằng ba
chiến dịch lớn: Chiến dịch giải phóng toàn bộ Tây Nguyên mở đầu bằng trận đánh
Buôn Ma Thuột; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, quét sạch địch ở ven biển
miền Trung và kết thúc là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định
để dẫn tới giải phóng các tỉnh còn lại của Nam Bộ. Hơn một triệu quân nguỵ và
tất cả bộ máy nguỵ quyền bị đập tan, chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây
dựng trong hai chục năm sụp đổ hoàn toàn.
Chính những cuộc nổi dậy của nhân dân miền Nam dưới những hình thức khác nhau ở
hầu khắp các địa phương trong Mùa Xuân 1975 đã góp phần có ý nghĩa quyết định
vào "tốc độ thần tốc" của cả trận quyết chiến chiến lược cuối cùng,
cũng như nhịp độ tiến công vũ bão của các binh đoàn chủ lực. Cuộc Tổng tiến
công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 giành toàn thắng, đánh bại hoàn toàn chiến
tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn
toàn miền Nam.
Ngày 30 tháng 4 năm
1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước
vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết
thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
xã hội chủ nghĩa.
Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc,
giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào
hùng, trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc.
Quân và dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến
bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ
quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới
trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp
phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc,
hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành
công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế
giới.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta
mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta
đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự
hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản
Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của
dân tộc ta, của quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy
chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn
kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế
- xã hội, quốc phòng - an ninh theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.
2-
VỀ NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG
Hằng năm, người lao
động trên toàn thế giới lại cùng nhau kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Tại
Việt Nam, đây là một ngày mà mọi người dân ai ai cũng được nghỉ ngơi, vui chơi
không phải làm việc. Tuy vậy, không phải ai cũng biết được lịch sử cũng như ý
nghĩa trọng đại của ngày Quốc tế Lao động, nhất là các thế hệ trẻ
Tại
Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản I họp tại Giơ - ne -
vơ (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được
coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ sớm xuất hiện trong một số
nơi của nước Anh, nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này dần
lan sang các nước khác.
Năm
1884, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ
thông qua nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất
cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày
bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này,
hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước
quyết định của công nhân mà không kiếm cớ chối từ.
Ngày
1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới
công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ
thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago.
Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên
thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một
ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!” Cuộc đấu
tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cũng trong ngày hôm đó, tại các
trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340
nghìn công nhân tham gia. Ở Goa - sing - tơn, Niu - giooc, Ban - ti
mo, Bốt - tơn.. hơn 125.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ làm 8
giờ. Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5
hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản
các nước.
Từ
đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công
nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân
dân lao động toàn thế giới.
Năm
1920, dưới sự phê chuẩn của Lê Nin, Liên Xô (cũ, nay là Liên bang Nga) là nước
đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng
kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.
Tại
Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân
Việt Nam đã lấy ngày l/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh
chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi
kinh tế - xã hội.
Năm
1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương,
ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút
đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu
tình lớn gồm hàng chục ngàn người đã diễn ra ở khu Đấu xảo Hà Nội với sự tham
gia của 25 ngành, giới: thợ hoả xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi,
nhà văn, nhà báo... Đây là cuộc mit-tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân
chủ (1936 - 1939), một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động
do Đảng lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tổ
chức và lãnh đạo của Đảng ta.
Ngày
nay, ngày Quốc tế Lao động đã trở thành ngày hội lớn của hai giai cấp công nhân
và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị
với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho
thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ôn lại kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và
138 năm ngày quốc tế Lao động Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã gia Minh sẽ
tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ
lực vượt khó nhằm thúc đẩy toàn diện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an
sinh xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
trong sạch, vững mạnh; xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng cả
nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc
tế.