Từ xa xưa, dân gian đã
lưu truyền rằng “Đại Hữu sinh vương, Điềm Dương sinh thánh” để nói về vùng đất
địa linh đã sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng và Thiền sư Nguyễn Minh Không, vị Quốc
sư triều Lý, quê quán ở làng Điềm Giang, mà ngôi đền thờ ngài – đền Thánh Nguyễn
còn tồn tại đến ngày nay.
Đền Đức Thánh Nguyễn
là một ngôi đền cổ thuộc làng Điềm, có tên gọi cổ xưa là Đàm Gia Loan, sau đổi
là Đàm Xá, nay là hai xã Gia Tiến và Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Đền thờ Thiền sư
Nguyễn Minh Không, Quốc sư thời Lý, sinh ra trên đất này. Ông tên thật là
Nguyễn Chí Thành, hiệu là Minh Không, được vua Lý Thần Tông phong làm quốc sư,
là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức phật giáo của triều đại nhà
Lý trong lịch sử, được xem là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa
cổ và được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam. Vì có nhiều công lớn
chữa bệnh cho vua và nhân dân mà ông được người Việt tôn sùng
là Đức Thánh Nguyễn. Một số ghi chép xưa xếp ông là một vị thánh trong tứ
bất tử. Trong truyền thuyết dân gian, Nguyễn Minh Không là một nhân vật huyền
thoại, xuất hiện với nhiều tình tiết kỳ bí như khi tu thiền đắc đạo có thể đi
mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông
cả, cho cả kho đồng nước Tống vào túi đem về đúc tứ đại khí, thò tay vào vạc
dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông… Hiện
nay ở vùng đất Ninh Bình nói riêng và châu thổ sông Hồng nói
chung có rất nhiều đền thờ ông, nhiều địa danh ở Ninh Bình gắn với sự tích
về ông như Kẽm Đó, Kênh Gà, Sinh Dược… Đền còn thờ Thái sư Tô Hiến Thành, một
đại thần, có công bình Chiêm, phò ấu chúa là Lý Cao Tôn (1175-1210). Sở dĩ nơi
đây thờ ông là do bố đẻ ông là Tô Trung Công làm quan lệnh doãn phủ Trường Yên
đã cùng vợ về đây cầu tự và sau sinh ra ông.
Đền được xây dựng trên
nền ngôi chùa cổ có tên là Viên Quang Tự do Nguyễn Minh Không lập vào năm 1121.
Về sau, người dân địa phương cho là nền nhà cũ của Đức Thánh Nguyễn nên đã dời
chùa sang phía tây, mà dành riêng nơi nhà cũ để thờ ông.
Đền quay hướng nam,
nằm song song với đường Tiến Yết, hướng về cố đô Hoa Lư nên được xem như là một
di tích thuộc “Hoa Lư tứ trấn”. Đền Thánh Nguyễn nằm trên địa bàn “Tượng sơn
trung dục, ngưng thuỷ trường thanh” (tận cùng của núi voi, trước mặt có giang
hồi cửu khúc). Phía nam và tây nam có dãy núi đá uốn lượn tục gọi núi rồng và
núi rắn, nhiều núi hình thù tựa con lợn, rùa, cổ giai, phượng… Ngọn núi Bái
Đính đứng chơ vơ đón gió thật đúng với bài thơ “Cảm hoài”: “Trạch đắc long xà
địa khả cư…”
Tổng thể công trình
kiến trúc rất quy mô, được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Đền gồm 4
toà làm theo kiểu tiền nhất, hậu công. Đầu tiên là Vọng Lâu – tòa nhà 3 gian,
nơi tương truyền là nhà cũ của Thánh Nguyễn, với cây đèn đá dựng bên đầu hồi
cao hơn một mét. Đây là biểu tượng cây đèn của Nguyễn Minh Không ngày
xưa thắp sáng để ngồi thiền tịnh, ánh sáng chiếu rọi đến tầng mây trên không,
vì thế nên nhân dân quanh vùng tôn hiệu ông là Thiền sư Minh Không. Đền chính
xây dựng kiểu chữ công, gồm 3 tòa tiền bái, ống muống và chính tẩm, là công
trình rất giá trị về cả hai mặt kiến trúc và điêu khắc. Theo văn bia còn lại ở
dền thì công trình này được trùng tu lớn vào thế kỷ XVII, đến năm Bảo Đại thứ 3
(1928) tu sửa tiếp, nhưng nhìn chung đường nét kiến trúc nghệ thuật chạm khắc
vẫn được bảo tồn như cũ, chỉ thay đổi chút ít.
Năm gian Tiền bái làm
theo kiểu chồng rường, hồi có hai mái đại, trụ non xà đuôi chuột, các cặp xà
dọc, xà ngang, xà nách, được bám vào cột chắc khoẻ như những ngấn mộng chính
xác kín mít. Các cấu kiện bẩy tiền, bẩy hậu, tàu mái, riềm mái, bò cốn con
rường, những hàng cột cái, cột quân, những đầu mái hình tròn… hoặc còn nguyên
từ thế kỷ 17, hoặc qua tu sửa nhưng vẫn được bảo tồn phong cách. Đáng chú ý là
bức thuận giữa đệ nhị cung (ống muống) và Chính tẩm. Các cặp xà dọc, xà ngang,
xà nách được bám chắc vào cột với những hoạ tiết hoa lá, long chầu, nghê chầu
là đường nét của thế kỷ 17. Hình như nghệ nhân dồn tài nghệ chạm khắc vào vị
trí bức thuận này, nên từ xà ngang, xà nách, từ ván bưng, con rường, bò cốn đều
được chạm hình long ly vui đùa, long chầu chữ phúc và mây tán thời Lê khá đẹp.
Đầu hồi tòa Chính tẩm
thực sự là những tác phẩm điêu khắc có giá trị cao. Hồi phía tây như khoe tài
nghệ điệu khắc tứ linh với nhiều đề tài phong phú như long chầu, long ly vui
đùa… thì hồi phía đông, nổi bật lên một đề tài chạm khắc dân gian độc
đáo. Trên ván bưng suốt dọc xà hạ là cảnh người cỡi voi, đôi nam nữ tư tình,
cảnh 4 cô gái tắm tiên trên hồ sen, cảnh người lễ bề trên đang ngồi trên sập,
có người hầu đứng bên, phản ánh ước vọng bình dân, rất chân tình mộc mạc, mang
đậm sắc thái dân gian của nghệ thuật thế kỷ XVII.
Phía sau Chính tẩm là
gác chuông có niên đại từ thời Mạc được bảo tồn nghiêm ngặt, hai tầng tám mái
bằng gỗ lim. Hệ thống công trình kiến trúc phụ 2 phía đông - tây có tới 5 toà,
với tổng số gian là 31 gian, gồm 2 dãy hành lang, 2 nhà trù, 1 gian thờ quan
giám cũng được sắp xếp hài hòa, kích cỡ vừa phải không ảnh hưởng đến hệ thống
công trình chính.
Đền Đức Thánh Nguyễn
còn giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị cây đèn đá, cột kinh, các văn bia đá
cổ thời Lê và Nguyễn, sóc đá, gạch trang trí hoa văn thời Lê, hai chân tảng
bằng đá thời Lý – Trần, các nhang án, khám thờ thời Lê, 50 bằng sắc thời Lê và
Nguyễn… Đây là những tài sản văn hóa vô giá, góp phần nghiên cứu lịch sử, văn
hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Lễ hội đền Đức Thánh
Nguyễn diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch. Đây là dịp nhân dân địa
phương tri ân đức thánh Nguyễn Minh Không. Trong phần lễ chính có tục
rước nước từ sông Hoàng Long về đền; tế lục khúc, nam quan, nữ quan…Phần hội tổ
chức các trò chơi dân gian.
Di tích đền Đức Thánh
Nguyễn được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm
1989.